Realty Housess

Tin Bài Bất Động Sản

Khơi thông cửa ngõ TP.HCM, tạo liên kết vùng - Ảnh 1.
KHƠI THÔNG CỬA NGÕ TP.HCM, TẠO LIÊN KẾT VÙNG

Sau nhiều năm chờ đợi, các dự án giao thông ở cửa ngõ TP.HCM sẽ bắt đầu được khơi thông từ năm 2022. Từ đó hạn chế tình hình ùn tắc giao thông những dịp cao điểm và mở ra việc kết nối liên vùng.

Khơi thông cửa ngõ TP.HCM, tạo liên kết vùng - Ảnh 1.
Nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khi người dân đi qua quốc lộ 50 đoạn tại địa bàn TP.HCM luôn bị kẹt xe, tai nạn rình rập. Bởi đây là trục giao thông quan trọng của TP kết nối với các tỉnh Long An, Tiền Giang và đường dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Chờ thông 3 cửa ngõ TP.HCM

Là người sống trên quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) hơn chục năm qua, chị Hồ Thúy Hà (40 tuổi) cho biết cứ những ngày đầu buổi sáng là tình trạng kẹt xe tại khu vực này tới trưa, riêng buổi chiều kẹt tới tối.

Sự việc lặp đi lặp lại làm người đi đường ít dừng lại mua hàng, công việc kinh doanh buôn bán của gia đình chị Hà gặp không ít khó khăn.

“Nhìn trưa thì thoáng vầy chứ chiều là xe ùn ùn, xe lớn chạy hết mặt đường, xe máy đành phải leo lên lề. Nhiều hôm bảng hiệu, bàn ghế tui để trước nhà bị tông ngã, bể hết trơn. Nhất là dịp lễ Tết người dân về quê đông là thôi bụi bặm bay hết vô nhà, còi xe inh ỏi”, chị Hà nói.

Lo hơn, chị Hà cho biết thêm những năm qua không ít lần chứng kiến nhiều vụ tai nạn, có vụ nặng dẫn tới chết người. Khi nghe thông tin mở rộng đường, chị Hà mong mỏi dự án sẽ sớm triển khai để giao thông qua khu vực được khơi thông, giảm ùn tắc mà người dân cũng làm ăn, buôn bán thuận lợi hơn.

Vào năm 2007, tuyến quốc lộ 50 từ TP.HCM đến Tiền Giang được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư.

Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để TP đầu tư dự án đoạn đi qua TP. Đến tháng 6-2021, HĐND TP đã thông qua chủ trương đầu tư có tổng vốn gần 1.500 tỉ đồng và dự án hoàn thành năm 2023.

Khơi thông cửa ngõ TP.HCM, tạo liên kết vùng - Ảnh 2.

Về quy mô, dự án có tổng chiều dài 6,92km được chia thành 2 đoạn. Đoạn 1 dài 4,36km sẽ xây dựng đường song hành quốc lộ 50 và đoạn 2 dài 2,56km (2 làn xe) sẽ được mở rộng đường hiện hữu lên 34m. Trên tuyến sẽ xây dựng mới 2 cầu gồm cầu Bà Lớn dài 80m và Ông Thìn dài 240m.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Công Bằng, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết trong năm 2022 có 3 dự án quan trọng ở cửa ngõ TP sẽ được khởi công. Đây là tín hiệu vui bởi khi hoàn thành, các dự án không chỉ góp phần giảm ùn tắc ở cửa ngõ TP mà còn có vai trò kết nối liên vùng.

Ở cửa ngõ phía tây, dự án mở rộng quốc lộ 50 cũng đã được bố trí vốn và đang tập trung đẩy nhanh các thủ tục để có thể khởi công trong năm 2022. Dự án hoàn thành sẽ hình thành hệ thống mạng lưới giao thông liên vùng xuyên suốt, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

“Việc triển khai dự án này khá thuận lợi do công tác giải phóng mặt bằng đang được UBND huyện Bình Chánh thực hiện bằng dự án riêng. Đến nay mặt bằng đã giải phóng đạt trên 80% khối lượng. Hiện huyện Bình Chánh cũng đang tiếp tục triển khai phần còn lại”, ông Bằng chia sẻ.

Đối với dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức), ông Bằng cho hay hiện đã tổ chức thi tuyển kiến trúc và đang chuẩn bị hoàn chỉnh các thủ tục lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Nếu tiến độ triển khai thuận lợi, dự kiến dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2022.

Khi dự án nút giao thông An Phú hoàn thiện sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông tại đầu tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Từ đó dự án cũng góp phần tăng kết nối với cao tốc, nâng cao hiệu quả khai thác sân bay Long Thành, góp phần phát triển kinh tế.

Còn ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP cho hay dự án đường nối Cộng Hòa – Trần Quốc Hoàn với vốn đầu tư hơn 4.848 tỉ đồng hiện TP đã duyệt dự án đầu tư và dự kiến sẽ khởi công trong năm 2022.

Riêng tuyến đường nối với nhà ga T3 và được coi là cửa ngõ ra vào thứ 2 của sân bay Tân Sơn Nhất, hiện các đơn vị liên quan đang khẩn trương thực hiện các thủ tục về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho chủ đầu tư.

Đường ven kênh, trên bến dưới thuyền

ONHIEM THAMLUONG 02 1(Read-Only)

Tuyến kênh Tham Lương trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM ô nhiễm với nhiều nhà máy, khu dân cư xả thải trực tiếp ra tuyến kênh này – Ảnh: TỰ TRUNG

Trong năm 2022, dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên được bố trí 1.000 tỉ đồng vốn ban đầu.

Với chiều dài 33km, kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên là tuyến kênh dài nhất TP.HCM hiện nay, chảy qua 7 quận huyện (Bình Thạnh, quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh).

Dự án có tổng mức đầu tư 8.200 tỉ đồng này được TP đặt niềm tin làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực rộng gần 15.000ha. Dự án này đảm bảo 3 tiêu chí lớn gồm giảm ngập nước, giải quyết ô nhiễm môi trường và giải quyết ùn tắc giao thông.

Dự án còn có hạng mục đường giao thông dọc 2 bên bờ kênh gần 33km được xây dựng (mặt đường từ 8 – 12m, vỉa hè 2 bên rộng từ 2,5 – 4m và 3 cầu dọc theo tuyến).

Dự án sẽ tạo thành trục động lực phát triển phía tây TP, hạn chế tình trạng kẹt xe khu vực nội thành. Sẽ có 12 bến thuyền dọc tuyến được xây dựng góp phần hình thành trục giao thông thủy kết nối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ qua cửa ngõ đường thủy Long An và kết nối với các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư dự án trên) chia sẻ thời gian qua do tình hình dịch COVID-19 nên TP thực hiện giãn cách xã hội vào ngay thời điểm triển khai thực hiện các công tác khảo sát địa hình, lấy ý kiến người dân để phục vụ báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc này dẫn đến tiến độ công việc kéo dài thời gian.

Chia sẻ về niềm vui khi dự án được bố trí vốn năm 2022, đại diện chủ đầu tư cho hay hiện nay dự án đang trong quá trình trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư. Sau khi dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, chủ đầu tư sẽ tổ chức triển khai thực hiện các công việc ở bước đầu tư.

“Dự kiến trong quý 3-2022 dự án sẽ khởi công xây dựng một số gói thầu tại những vị trí có mặt bằng đã giải tỏa (đã giải tỏa hơn 90% mặt bằng toàn tuyến). Với 1.000 tỉ đồng được bố trí, chủ đầu tư thanh toán các hợp đồng xây dựng, bảo hiểm, tư vấn… trong năm 2022”, đại diện chủ đầu tư cho biết.

Cũng theo Ban quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị TP.HCM, quá trình triển khai dự án này có bước thuận lợi là dự án có mặt bằng được giải tỏa từ giai đoạn 1 của dự án Tiêu thoát nước giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (giai đoạn 1). Kế thừa các hồ sơ đã nghiên cứu trước đây nên rút ngắn thời gian thực hiện và tiết kiệm chi phí…

Nhiều kế hoạch lớn cho năm 2022

Sở Giao thông vận tải TP cho biết trong năm 2022 sẽ tập trung, tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư dự án hoàn tất thủ tục trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng như: các tuyến vành đai 2, 3, 4; cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

Cùng với việc khởi công mới một số dự án quan trọng, Sở Giao thông vận tải TP đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành một số công trình trọng điểm, cấp bách như cầu Thủ Thiêm 2, nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, xây dựng mới cầu Bưng, tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh), đường Trần Văn Mười…

Ngoài ra, sở này cũng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ ngành liên quan, nhà đầu tư để triển khai các thủ tục liên quan thực hiện dự án cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ…

Theo Báo Tuổi trẻ – Phathung.vn

Rate this post

Form Đăng Nhập

Form Đăng Ký

0937156969