Realty Housess

Tin Bài Bất Động Sản

Long An muốn lập Thành phố Cần Giuộc

Tỉnh Long An thống nhất quy hoạch Cần Giuộc trung tâm đô thị và công nghiệp, giữ vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Long An, Cần Giuộc được quy hoạch là đô thị quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò hỗ trợ, giảm áp lực gia tăng dân số tại TP HCM; là đô thị động lực để phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực phía Đông và toàn tỉnh Long An; là trung tâm công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp kỹ thuật cao của tỉnh, trong đó, công nghiệp, đô thị, dịch vụ cảng có vai trò quan trọng.

Cần Giuộc còn được quy hoạch xây dựng trở thành đầu mối giao thông đường thủy và đường bộ, có khả năng lưu thông vận tải hàng hóa cao và thuận tiện kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng tại cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh.

Cần Giuộc có tốc độ đô thị hóa nhanh, hút nhiều dự án trong những năm qua. Ảnh: Dũng Trần

Tỉnh sẽ giao UBND huyện Cần Giuộc lập quy hoạch chi tiết. Mục tiêu của việc lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc và phương án phát triển hệ thống đô thị, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiến tới phát triển đô thị Cần Giuộc theo tiêu chí đô thị loại III, làm cơ sở hình thành thị xã Cần Giuộc trong tương lai gần và xa hơn là lên thành phố trực thuộc tỉnh.

Quảng cáo

Huyện Cần Giuộc nằm ở phía Đông Nam tỉnh Long An, là địa phương sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị. Phía Bắc huyện giáp Bình Chánh (TP HCM), phía Đông Bắc giáp Nhà Bè (TP HCM), phía Đông giáp huyện Cần Giờ (TP HCM) với ranh giới là sông Soài Rạp, phía Tây Bắc giáp huyện Bến Lức, phía Nam và phía Tây Nam giáp huyện Cần Đước.

Cần Giuộc được chú ý bởi sở hữu diện tích lớn và ôm trọn khu Nam TP HCM. Đây cũng là địa bàn chiến lược về kinh tế khi là cửa ngõ phía Nam và Đông Nam TP HCM. Chính vị trí thuận lợi, Cần Giuộc hiện sở hữu nhiều khu công nghiệp lớn như khu công nghiệp Long Hậu, Tân Kim, Nam Tân Lập, Bắc Tân Lập. Việc xuất hiện nhiều khu công nghiệp cũng kéo theo các dự án đô thị vệ tinh phát triển tại khu vực này.

Nhiều năm qua, địa phương này có tốc độ đô thị hóa nhanh. Cùng với xu hướng di cư về các đô thị vệ tinh, Cần Giuộc cũng trở thành điểm đến thu hút nhiều dự án bất động sản quy mô lớn nhất Long An. Đến nay, huyện đã có gần 30 dự án quy mô từ 10 – 420ha được triển khai.

Nhiều dự án giao thông quan trọng cũng đang được xây dựng để tăng tính kết nối vùng. Huyện này đã bàn giao mặt bằng theo tiến độ thi công công trình trọng điểm như Đường tỉnh 830 (đoạn từ Quốc lộ 50 đến Cảng Quốc tế Long An); đường Tân Tập – Long Hậu; Đường tỉnh 826E đã giao mặt bằng cho doanh nghiệp chuẩn bị khởi công xây dựng đường. Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An (108ha) cũng đã giải phóng mặt bằng khoảng 100 ha đất.

Quảng cáo

Bên cạnh Cần Giuộc, Long An cũng có nhiều huyện sở hữu tiềm năng trở thành đô thị mới trong tương lai như Bến Lức, Đức Hòa.

Một góc huyện Bến Lức. Ảnh: Khang MInh

Bến Lức có vị trí cửa ngõ, sở hữu các trục đường giao thông chính kết nối liên vùng đi qua như Quốc lộ 1, quốc lộ N2, cao tốc TP HCM – Trung Lương, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, sông Vàm Cỏ Đông cắt ngang… Theo quy hoạch, Bến Lức sẽ là khu vực phát triển đô thị, dân cư gắn với các khu, cụm công nghiệp tập trung với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại. Đích ngắm của huyện này là trở thành đô thị loại II. Trong khi đó, Đức Hòa tiếp giáp với các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Rất nhiều công trình giao thông quan trọng như ĐT823D, ĐT824, ĐT825 sẽ được khởi công, mở rộng. Cùng với đường Nguyễn Văn Bứa (nối huyện Hóc Môn với huyện Đức Hòa) được đề xuất nâng cấp mở rộng từ 32m lên 40m, bài toán giãn dân số từ TP HCM về Đức Hòa sẽ khả thi hơn.

Long An có diện tích tự nhiên hơn 4.494 km2, dân số trên 1,6 triệu dân, tỷ lệ đô thị hóa đến tháng 10/2021 đạt khoảng 36% (cả nước là 40%). Theo định hướng, đến năm 2030, dân số của tỉnh sẽ vào khoảng 1,9 triệu người.

Giai đoạn 2026-2030, tỉnh đặt mục tiêu phát triển 29 đô thị gồm thành lập mới 4 đô thị và nâng cấp các đô thị còn lại. Trong đó, có một đô thị loại I (Tân An), hai đô thị loại II (Bến Lức, Kiến Tường), hai đô thị loại III (Cần Giuộc, Hậu Nghĩa), 11 đô thị loại IV (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Đông Hòa, Tầm Vu, Đông Thành) và 13 loại V (Hưng Điền B, Khánh Hưng, Thái Bình Trung, Bình Phong Thạnh, Hậu Thạnh Đông, Mỹ Quý Tây, Hiệp Hòa, Mỹ Hạnh, Gò Đen, Lương Hòa, Rạch Kiến, Long Đức Đông, Lạc Tấn).

Theo vnexpress – Phathung.vn

Rate this post

Form Đăng Nhập

Form Đăng Ký

0937156969