Realty Housess

Tin Bài Bất Động Sản

CPTPP: Xóa bỏ 97-100% số dòng thuế với hàng Việt Nam

Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực bắt đầu từ hôm nay 14-1.

Nhằm giúp các doanh nghiệp có thể hiểu rõ và đúng để từ đó tận dụng được hiệu quả cũng như những cơ hội và lợi ích từ hiệp định, Bộ Công Thương đã đưa ra thông tin cơ bản về các cam kết trong những lĩnh vực chính như: thuế nhập khẩu, dệt may, dịch vụ và đầu tư, lao động, mua sắm Chính phủ, quy tắc xuất xứ và doanh nghiệp nhà nước

Cam kết xóa bỏ 97-100% số dòng thuế với hàng Việt Nam

Về thuế nhập khẩu (mời bạn đọc xem tại đây), các thành viên CPTPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như toàn bộ biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình.

Theo đó, các nước cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Mỗi nước có cam kết riêng, đơn cử như Canada cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canađa ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan.

Việt Nam cũng cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP, sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.

Nhìn chung, mức độ cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của ta là thấp hơn nhiều so với mức các nước cam kết mở cửa cho ta.

Quy tắc “3 công đoạn” với hàng dệt may

Về cam kết ngành dệt may (bạn đọc xem tại đây), hiệp định có một chương riêng về dệt may theo đó sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác (ngay hoặc có lộ trình).

Đối với những nước mà Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA), việc mở cửa thị trường này rất quan trọng, do thuế nhập khẩu áp dụng với hàng dệt may thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác.

Với hàng dệt may, quy tắc xuất xứ được áp dụng là “từ sợi trở đi” hay được gọi quy tắc “3 công đoạn”, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối CPTPP. Đây là quy tắc yêu cầu đưa ra ở mức cao, tuy nhiên cũng áp dụng linh hoạt hơn trong một số trường hợp như danh mục nguồn cung thiếu hụt gồm 194 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực CPTPP, trong đó 186 mặt hàng sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong vòng 5 năm.

Được phép tự chứng nhận xuất xứ

Về quy tắc xuất xứ (bạn đọc xem tại đây), hiệp định quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: (1) hàng hóa có xuất xứ thuần túy; (2) hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu trong khu vực CPTPP; và (3) quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR).

Bên cạnh đó, quy tắc cộng gộp cho phép các nước CPTPP được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước CPTPP khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ CPTPP.

Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, Hiệp định CPTPP đã cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điểm rất mới so với các FTA truyền thống trước đây mà Việt Nam đã ký kết. Do hình thức tự chứng nhận xuất xứ còn khá mới mẻ, chưa được triển khai toàn diện và đại trà nên Việt Nam được áp dụng một số thời gian chuyển đổi nhằm mục đích tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước quen dần với hình thức này

Không phải tuân theo nguyên tắc ratchet

Về dịch vụ đầu tư, riêng cam kết trong một ngành dịch vụ, đầu tư, các nước được quyền đơn phương sửa đổi các nội dung đã bảo lưu theo hướng thuận lợi hơn nhưng khi đã đưa ra rồi thì không được quyền rút lại nội dung đã được sửa đổi đó. Nguyên tắc này còn được gọi là nguyên tắc “chỉ tiến, không lùi (ratchet)”.

Tuy nhiên, trong thời gian 3 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Việt Nam không phải tuân thủ nguyên tắc ratchet. Đây là linh hoạt mà các nước CPTPP dành riêng cho Việt Nam.

Hiệp định CPTPP quy định 4 nghĩa vụ chủ chốt là đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc, Tiếp cận thị trường và Hiện diện tại nước sở tại.

Mua sắm chính phủ

Cam kết mua sắm Chính phủ được hiểu là khoản chi do một cơ quan nhà nước hoặc cơ quan do nhà nước ủy quyền thực hiện để nhằm mục đích của chính phủ, do vậy, mua sắm Chính phủ (MSCP) là một thị trường mà người mua gắn liền với Nhà nước như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

Các nội dung chính của chương MSCP bao gồm: không phân biệt đối xử; không sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa hoặc nhà thầu trong nước; và biểu cam kết mở cửa thị trường MSCP quyết định phạm vi mở cửa của từng nước.

Hiệp định quy định ngưỡng mở cửa của gói thầu cho từng loại chủ đầu tư, bao gồm ngưỡng cho gói thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ nói chung, và ngưỡng cho mua sắm dịch vụ xây dựng. Ví dụ đối với các cơ quan trung ương, sau 15 năm chuyển đổi thì ngưỡng mở cửa là 8,5 triệu SDR ( khoảng 260 tỉ đồng) đối với gói xây lắp, sau 25 năm thì ngưỡng đối với gói hàng hóa, dịch vụ là 130.000 SDR (khoảng 4 tỉ đồng).

Ngoài ra, Hiệp định CPTPP cho phép các nước đang phát triển được phép áp dụng một số biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Ví dụ như trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ không chịu sự điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan tới các nghĩa vụ của mình theo Chương MSCP. Trong thời gian này, Việt Nam chỉ tham vấn với nước CPTPP có ý kiến quan ngại về việc thực thi nghĩa vụ của Việt Nam.

Liên kết của các tổ chức của người lao động

Đối với vấn đề lao động và công đoàn, riêng Việt Nam có được thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký Hiệp định) để đến khi đó sẽ cho phép các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch.

Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức của người lao động ở mức độ này cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động.

Dưới 16.000 tỉ đồng không phải thực thi nghĩa vụ hiệp định áp dụng với DNNN

Với doanh nghiệp nhà nước các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 16.000 tỉ đồng (vào thời điểm khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực) và dưới 6.500 tỉ đồng (khi hiệp định có hiệu lực được 5 năm) sẽ không phải thực thi phần lớn các nghĩa vụ của hiệp định.

Các nghĩa vụ chính theo Hiệp định bao gồm: (1) các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải hoạt động theo cơ chế thị trường; (2) các DNNN không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; (3) minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố; và (4) nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.

Các nghĩa vụ của Hiệp định chỉ áp dụng với các DNNN vượt ngưỡng doanh thu nhất định. Theo đó, các DNNN có doanh thu hàng năm dưới 16.000 tỉ đồng (vào thời điểm khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực) và dưới 6.500 tỉ đồng (khi hiệp định có hiệu lực được 5 năm) sẽ không phải thực thi phần lớn các nghĩa vụ của hiệp định.

Theo Saigon Times – PhatHung.vn

Rate this post

Form Đăng Nhập

Form Đăng Ký

0937156969