Realty Housess

Tin Bài Bất Động Sản

Xây dựng cao ốc, chuyển đổi đất nông nghiệp là bài toán giải quyết mật độ dân số tại VN

Sức ép từ dân số đang là gánh nặng lớn nhất ở những thành phố đông dân trên thế giới. Tại Việt Nam, Hà Nội và TP.HCM đang là hai thành phố chịu sức ép từ dân số lớn nhất cả nước. Trong buổi trò chuyện cùng KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: “với tình trạng dân số tăng nhanh như hiện nay thì chỉ có cao ốc mới giải được bài toán về mật độ dân số”.

Quan điểm rất rõ ràng của ông: “Với những thành phố lớn lên tới hàng chục triệu dân thì không con cách nào khác là phải xây nhà cao tầng, nhưng xây dựng như thế nào để đảm bảo không gian sống tốt nhất cho người dân mới là vấn đề quan trọng”.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của nhà cao tầng đối với các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM?

Tại TP.HCM hay Hà Nội đang xảy ra những vấn đề xã hội cấp bách như giao thông kẹt xe, môi trường ô nhiễm, ngập lụt…Đó là xu thế tất yếu của việc phát triển đô thị. Để giải quyết vấn đề đó, không còn cách nào khác là phải tối đa hệ số sử dụng đất bằng cách phát triển theo trục đứng để dành không gian tổ chức lại hạ tầng giao thông và không gian công cộng. Đây cũng là lời giải duy nhất cho bài toán của các “megacity” như Hà Nội và TP.HCM.

Nhưng nhà cao tầng đang bị coi là nhân tố gây quá tải và tăng áp lực cho hạ tầng, giao thông, thưa ông?

Thực tế, tất cả đô thị hiện đại trên thế giới – nhà cao tầng thể hiện sự giàu có, văn minh và hiện đại. Nhiều nước như Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải,…nhà cao tầng còn được xem là niềm kiêu hãnh của họ. Vì chỉ có nhà cao tầng thì mới giải quyết được mật độ cho người dân. Những thành phố lớn như Hà Nội có tới 10 triệu dân mà không xây nhà cao tầng, xây dựng kiểu nhà ống trải khắp thành phố thì không đủ diện tích để cho người dân sinh sống.

Còn về vấn đề hạ tầng giao thông, hiện Hà Nội có tới 5 triệu xe máy, 500.000 ô tô đang lưu hành, chưa kể lượng xe từ ngoại tỉnh vào. Chỉ cần một nửa số này lưu thông cùng một lúc thì không có con đường nào ở Hà Nội chịu nổi với sự tràn lan của mô hình nhà ống hiện nay. Chúng ta phải tổ chức không gian tạo thêm quỹ đất đủ rộng, phải được kết nối với giao thông công cộng.

Vậy theo ông, xây nhà cao tầng như thế nào để vừa có một đô thị hiện đại và thông minh như các đô thị hiện đại?

Tôi nghĩ chúng ta phải tổ chức được không gian đô thị gắn với hạ tầng đô thị, gồm cả hạ tầng kỹ thuật (là giao thông, điện, nước, đô thị thông minh…) và hạ tầng xã hội (là công viên cây xanh, bệnh viện…) để có cuộc sống chất lượng hơn.

Để có được điều đó, xây dựng nhà cao tầng, kể cả trong trung tâm phải theo quy hoạch và đảm bảo được kết nối giao thông, cần đưa nhanh hệ thống Metro line, BRT vào hoạt động. Đây là vấn đề quan trọng nhất đối với những đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Có như thế mới giải quyết được bài toán cho sự phát triển không gian đô thị gắn với hạ tầng.

Như vậy quy hoạch không gian kiến trúc đô thị, đặc biệt là với các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang phát triển như hiện nay có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Mới đây chúng tôi có tổ chức Hội thảo quốc tế về quy hoạch không gian kiến trúc đô thị. Tại đây, các học giả trên thế giới cũng đã chỉ ra tầm quan trọng của quy hoạch, đưa ra những kinh nghiệm ở các nước như Anh, Nhật, Pháp, Singapore…cho thấy vấn đề cảnh quan đô thị và kiến trúc hạ tầng rất quan trọng đối với các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Trong đó vấn đề quan trọng hiện nay là liên quan đến kiến trúc quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch. Chúng ta phải tổ chức được không gian đô thị vừa hiện đại lại vừa có bản sắc riêng, tuân thủ mật độ xây dựng, mật độ cảnh quan cây xanh, mặt nước, mật độ cư trú và đặc biệt là kết nối giao thông. Những việc đó mà chúng ta làm tốt được thì tôi nghĩ chúng ta sẽ đáp ứng được yêu cầu của đô thị, nhu cầu cả người dân; đồng thời tạo nên bản sắc riêng của mỗi thành phố.

Vâng, với mật độ dân đông đúc tại Hà Nội và TP.HCM thì chỉ có giải pháp là xây nhà cao tầng mới giải được bài toán về mật độ dân số này thôi.

Dường như đồng tình với quan điểm của Ông Trần Ngọc Chính, mới đây tại TP.HCM Chính phủ vừa ban hành quyết định chuyển đổi 26.246 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, nhằm giải tỏa tình trạng dân số đông đúc và tăng nhanh như hiện nay.

Cụ thể, đến năm 2020 TP.HCM có 88.005 ha đất nông nghiệp, chiếm 42,1% diện tích đất toàn tỉnh, đất phi nông nghiệp 118.890 ha, chiếm 56,9%. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) TP.HCM và tỉnh Kiên Giang.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 TP.HCM có 88.005 ha đất nông nghiệp, chiếm 42,1% diện tích đất toàn tỉnh, đất phi nông nghiệp 118.890 ha, chiếm 56,9%, đất chưa sử dụng 309 ha, chiếm 0,1%, đất khu công nghệ cao 913 ha, đất đô thị 62.704.

Từ 2016 – 2020, 26.246 ha đất nông nghiệp của TP.HCM được chuyển sang đất phi nông nghiệp, 5.760 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp, 1.363 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.

Với tỉnh Kiên Giang, đến năm 2020 Kiên Giang có 559.278 ha đất nông nghiệp, chiếm 88,04% diện tích đất toàn tỉnh, đất phi nông nghiệp là 75.808 ha, chiếm 11,93%; đất chưa sử dụng 164 ha, chiếm 0,03%, khu kinh tế 65.581 ha, đất đô thị 47.232 ha.

Từ 2016 – 2020, 12.687 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp, 12.397 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp.

Chính phủ yêu cầu UBND 2 địa phương: TP.HCM và tỉnh Kiên Giang xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng.

Có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất, tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.

Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách, đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và đã cho thuê, tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất.

Khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường…

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

Kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích.

Theo Đầu Tư – PhatHung.vn

5/5 - (2 bình chọn)

Form Đăng Nhập

Form Đăng Ký

0937156969