Realty Housess

Tin Bài Bất Động Sản

Diện mạo hai bờ sông Sài Gòn tương lai nhìn từ loạt siêu dự án tỷ đô

Ông Trần Thanh Nhã, giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, cho biết tất cả các khu vực dọc sông, kênh rạch ở TPHCM đều đã được phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch 1/2.000, có quy định về hành lang bảo vệ kênh, sông rạch.

Theo các quy hoạch này, chức năng của các khu vực ven sông, trong hành lang an toàn chủ yếu là cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Ven các dòng sông, kênh rạch của TPHCM còn có đồ án quy hoạch du lịch đường thủy, giao thông đường thủy…

Tuy nhiên, theo ông Nhã, những đồ án quy hoạch trên thiếu kết nối giữa các khu vực ven sông, phần lớn các dự án có quy hoạch 1/500 ven sông, kênh thiếu đồng bộ, chất lượng hạn chế, chưa có giải pháp khai thác cảnh quan ven sông…

Dòng sông Sài Gòn và hệ thống kênh, rạch dày đặc ở TPHCM là một cơ thể nước rất sống động. Nếu xây dựng được một TP gắn với môi trường sông nước này thì chúng ta sẽ có một TPHCM có giá trị rất lớn về cảnh quan, môi trường sinh thái mà hiếm nơi nào có được.

Ngay khu trung tâm TPHCM, dọc bờ sông Sài Gòn, trải dài từ cầu Sài Gòn qua đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thành), đến hết đường Tôn Đức Thắng (quận 2), giá nhà đất đều ở mức trên 1 tỷ đồng/m2, có những căn biệt thự giáp bờ sông giá bán đến hơn 100 tỷ đồng/căn.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho hay TPHCM sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh đề án phát triển bờ kè sông, kênh rạch trên địa bàn. Bên cạnh đó sẽ xây dựng khung pháp lý phát triển và quy chế quản lý thống nhất đồng bộ, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, vai trò của người dân và doanh nghiệp, có chế tài đủ mạnh.

Đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới bờ kè, kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm như rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương – Bến Cát… Có nhiều cơ chế để huy động nguồn lực xây dựng một số vùng đệm để bảo vệ bờ kè, khai thác quỹ đất.

“TP.HCM đang phát triển nhanh, nhưng phải hướng tới đô thị sông nước. Mọi hoạt động đầu tư xây dựng, quy hoạch phát triển hạ tầng xã hội đều phải hướng đến đô thị sông nước. Chứ để nhà cao tầng từ mép bờ sông đến trong là không thành công. Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm xây dựng và giữ gìn bờ sông ấy để người dân cùng hưởng và dành cho tương lai”, ông Hoan nhấn mạnh.

TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch hành động phát triển TP định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó có quy hoạch kè bờ sông và sử dụng quỹ đất ven sông. Theo UBND TPHCM, sông, kênh là nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt. Do đó, TPHCM phải có quy hoạch sử dụng sông nước gắn với quy hoạch xây dựng kè và sử dụng đất ven sông. Khi xây dựng kè sông, đất ven sông sẽ đẹp hơn, giá đất tăng lên, trở thành nguồn tài chính để TPHCM tái đầu tư xây dựng.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, có hai đồ án quy hoạch chính sẽ định hình nên diện mạo khu vực trung tâm TPHCM nằm dọc theo sông Sài Gòn. Đó là, đồ án quy hoạch xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm (bờ Đông) và đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng 930ha – bao gồm một phần quận Bình Thạnh, một phần quận 4 và toàn bộ quận 1, quận 3 (bờ Tây).

Đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng của TP.HCM rộng 930ha được công bố giữa năm 2013 xác định, dải bờ Tây sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận rộng 275ha là khu vực phát triển mới đa năng. Chạy dọc suốt bờ sông sẽ hình thành dải công viên văn hóa, giải trí và công viên công cộng.

Hiện nay diện mạo hai bờ sông Sài Gòn đang được thay đổi nhanh một cách không ngờ. Theo quy hoạch, bên cạnh khu dân cư cao cấp, hai bên bờ sông Sài Gòn còn có khu thương mại, văn phòng làm việc, khách sạn 5 sao, các tổ hợp giải trí hiện đại… với mật độ xây dựng chung của khu đô thị khoảng 35%, số tầng được xây dựng tối đa là 55 tầng (tương đương chiều cao 220m); tổ chức không gian kiến trúc theo hướng thấp dần về phía bờ sông Sài Gòn.

Theo quan sát, nếu tính từ cầu Sài Gòn (phía quận Bình Thạnh) kéo dài dọc 2 bờ sông Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (quận 4), hiện có đến 50 tòa cao ốc đã và đang thi công. Bên cạnh những đại đô thị đã đi vào sử dụng hàng loạt dự án lớn đang chuẩn bị triển khai có thể kể đến như Dự án Khu công viên Bến Bạch Đằng, Khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội quy mô 31,5ha, khu cảng Ba Son…

Đặc biệt, một trong những siêu đô thị lớn bậc nhất dọc hai bờ sông Sài Gòn phải kể đến Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị (có tên thương mại là Saigon Peninsula). Vị trí nằm tại phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM, giáp với rạch Bà Bướm và sông Sài Gòn trên đường Đào Trí, khu vực này còn được gọi là khu Mũi Đèn Đỏ. Toàn bộ diện tích lập quy hoạch dự án khoảng 117ha, trong đó có khu công viên hỗn hợp đa chức năng khoảng 82ha và khu đô thị nhà ở khoảng 35ha gồm khu nghỉ dưỡng, trung tâm tài chính, khách sạn, vui chơi giải trí đẳng cấp nhất Sài Gòn. Tổng mức đầu tư ước khoảng 6 tỷ USD.

Đặc biệt hiện nay phía Nam Sài Gòn khu vực dọc theo hai bên bờ sông Sài Gòn quận 7 đang phát triển vô cùng sôi động với hàng loạt dự án của những chủ đầu tư lớn trên thị trường.

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2025, dọc sông Sài Gòn sẽ được TPHCM đầu tư nhiều dự án cầu quy mô lớn, giúp kết nối các vùng, khu vực của hai bờ sông với nhau. Chẳng hạn, hiện nay công ty Đại Quang Minh đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2, sắp tới TPHCM sẽ giao cho một nhà đầu tư khác thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 4. Dự kiến trong năm 2020, TPHCM sẽ thực hiện đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 3. Song song đó, để nối trung tâm quận 1 với khu Thủ Thiêm (quận 2), TPHCM còn có kế hoạch đầu tư dự án cầu đi bộ.

Ngoài ra, TPHCM đang làm việc cùng các nhà đầu tư để nhanh chống đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư dự án cầu Cần Giờ, dự án cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), dự án cầu quận 9 – thuộc hợp phần đường Vành đai 3 nối quận 9 với huyện Nhơn Trạch. và dự án cầu Thanh Đa nối với quận Thủ Đức.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM sẽ có 5 cảng phải di dời ra khỏi nội thành trước năm 2020, đến nay đã có Tân cảng Sài Gòn, cảng Ba Son đã di dời đến Cát Lái, còn những cảng khác đang trong quá trình chuẩn bị di dời. Trong đó, dự kiến đến hết năm 2020, Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội sẽ di dời hoàn tất và nơi đây sẽ “mọc” lên một siêu đô thị mới dọc bờ sông Sài Gòn.

Có thể thấy, khi hàng loạt dự án khủng dọc hai bờ sông Sài Gòn được hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ mang lại diện mạo hoàn toàn mới cho TPHCM với những siêu đô thị tầm cỡ quốc tế, trung tâm tài chính lớn. Khi đó, trung tâm Sài Gòn sẽ không còn chỉ tập trung tại quận 1 nữa mà sẽ trải dài dọc theo hai bờ sông Sài Gòn giống như xu hướng phát triển của những thành phố có sông nổi tiếng thế giới như thủ đô Seoul (Hàn Quốc) phát triển dọc đôi bờ sông Hàn, London (Anh) với sông Thames hay Paris với dòng sông Venice ở Pháp.

Theo Tri thức trẻ – PhatHung.vn

2/5 - (1 bình chọn)

Form Đăng Nhập

Form Đăng Ký

0937156969