Realty Housess

Tin Bài Bất Động Sản

Sân trước tòa nhà Seagram
Ludwig Mies van der Rohe và Tòa nhà Seagram
Tòa nhà Seagram
Tòa nhà Seagram

Tòa nhà Seagram ở đại lộ Park và đường 53, Manhattan, New York, là một trong những kiến trúc quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Tòa nhà được xây từ 1956 tới 1958. Nó quan trọng ở nhiều mức độ. Ludwig Mies van der Rohe (1886-1969) đã thiết kế những tòa nhà dạng này từ những năm 1920, nhưng ông chưa bao giờ có cơ hội thiết kế một tòa nhà văn phòng. Đây là cơ hội đầu tiên để ông thể hiện những ý tưởng kiểu đó.

Có rất nhiều yếu tố can thiệp vào dự án. Mies phát triển những ý tưởng của ông trên giấy vào cuối những năm 1910, đầu những năm 1920, rồi nổ ra cuộc cách mạng ở Đức (cách mạng 1918-19 chấm dứt chế độ quân chủ, Mies sinh ở Aachen, Đức, ông di cư sang Mỹ năm 1937 vì chế độ Quốc xã), rồi Thế chiến I, và cuộc đại suy thoái 1929-33. Sau khi chuyển sang Mỹ, ông đã thiết kế học khu của Viện Armour ở Illinois.

Viện Armour, Illinois
Viện Armour, Illinois

Rồi ông được thuê thiết kế tòa nhà Seagram. Seagram là một công ty rượu Canada, có lẽ là công ty rượu và đồ uống có cồn lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Họ ăn nên làm ra nhờ lệnh cấm rượu ở Mỹ giai đoạn 1920-33. Do đóng trụ sở ở Canada, họ buôn lậu rượu qua đường Chicago, đi ngang khu Ngũ Đại hồ. Rồi công ty mở văn phòng chính tại Mỹ ở New York.

Họ quyết định xây tòa nhà vào giữa những năm 1950. Họ nhìn sang bên kia đường và bị ấn tượng bởi danh tiếng của công trình đối diện Lever House, đó là kiến trúc trường phái hiện đại mang tính biểu tượng đầu tiên ở đại lộ Park, tòa nhà đầu tiên với kiến trúc tường màn (curtain wall) ở Manhattan.

Tòa nhà Lever House đối diện với tòa nhà Seagram
Tòa nhà Lever House đối diện với tòa nhà Seagram

Charles Luckman, tổng giám đốc ở Lever, vốn là kiến trúc sư. Ông rời Lever để lập công ty riêng của mình. Samuel Bronfman, chủ sở hữu Seagram, ban đầu thuê Luckman thiết kế và Luckman đã nhanh chóng hoàn tất các bản phác thảo. Rồi một mô hình lớn được dựng lên. Mô hình đó ở trong văn phòng Bronfman khi con gái ông, Phyllis Lambert, ghé qua. Lambert học ở Harvard, có bằng thạc sĩ kiến trúc và thiết kế.

Cô nói, “Cha, đây là thứ gớm ghiếc nhất con từng thấy. Cha, chúng ta sẽ đi Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA)… và cha sẽ nói chuyện với Arthur Drexler, trưởng bộ phận giám tuyển kiến trúc ở đó.” MoMA chỉ cách đó vài khối nhà, cũng trên đường 53.

Phyllis Lambert, nhũ danh Phyllis Bronfman. Sau này cũng là một kiến trúc sư lừng lẫy, với giải Sư tử vàng triển lãm kiến trúc lưỡng niên Venice 2014.

Phyllis Lambert
Phyllis Lambert

Drexler sau đó nói với Bronfman rằng ông có ba lựa chọn: Le Corbusier, kiến trúc sư người Pháp, rất khó chịu; Frank Llyod Wright, lựa chọn rõ ràng, người Mỹ, nhưng đã trên 90 tuổi; nên ông đề nghị sẽ là Ludwig Mies van der Rohe.

Những gì Mies làm là một tòa nhà hình dáng đơn giản, một tòa tháp với mặt dựng bằng đồng, chất liệu của điêu khắc. Đó cũng là lý do tòa nhà không chỉ là một trong những biểu tượng của kiến trúc New York, nó còn là một trong những tòa nhà kinh điển nhất của thành phố. Chất liệu đồng gợi lại nghệ thuật kinh điển, chẳng hạn điêu khắc Hy Lạp cổ đại. Tính chất hồi cố về văn hóa cổ đại không chỉ có thế. Tòa nhà cũng có mặt bóng như một tác phẩm điêu khắc, chứ không phải là một khối màu nâu đen nhất quán. Màu sắc của nó rất tinh tế, với các góc cạnh khác nhau tùy góc quan sát, giống như một tác phẩm điêu khắc. Đó là một tác phẩm đắt giá, bởi đồng đắt hơn nhiều so với nhôm, và tối thiểu mỗi năm một lần, đơn vị bảo trì tòa nhà phải lau nó bằng dầu máy, để đồng không bị oxy hóa.

Mies rất yêu kiến trúc Hy Lạp, nên ông đã thiết kế tòa nhà đối xứng gần như hoàn hảo, với thứ mỹ học đầy kỷ luật điển hình của nghệ thuật Hy Lạp. Nhìn vào những cột ở tiền sảnh, ta sẽ thấy chúng có phần giống các cột xẻ rãnh (fluted columns) ở các công trình Hy Lạp cổ đại, với những đường khía thẳng đứng. Cả tòa nhà cũng ở trên một bệ lớn, điều gợi lại một cách không thể nhầm lẫn ngôi đền huyền thoại Parthenon.

Cách phân bổ tỉ lệ tạo ra cảm giác cổ điển, một điều thật khó tin bởi chiều cao và kích cỡ tòa nhà. Các công trình Hy Lạp thường nhỏ hơn nhiều. Ở La Mã các kiến trúc lớn hơn một chút, nhưng không thể lớn như tòa nhà của Mies. Đó là một thách thức lớn: Làm sao để chắt lọc những bài học của kiến trúc cổ đại vào một tòa nhà làm từ kim loại và kính ở giữa Manhattan. Đó thậm chí là một dự án lố bịch: sử dụng văn hóa và nguyên vật liệu của thời kỳ công nghiệp để thể hiện những ý tưởng đã 2.500 năm tuổi.

Mặt dựng của tòa nhà Seagram hoàn toàn bằng đồng và kính
Mặt dựng của tòa nhà Seagram hoàn toàn bằng đồng và kính
Mặt trước tòa nhà Seagram và đền Parthenon, Athens
Mặt trước tòa nhà Seagram và đền Parthenon, Athens

Phong trào kiến trúc hiện đại giống với kiến trúc Hy Lạp ở chỗ họ luôn tìm kiếm kỷ luật trong mỹ học, tìm kiếm sự cân bằng giữa cái cũ và cái mới. Tòa nhà của Mies vươn cao, tăng tốc theo phương thẳng đứng, những đố cửa sổ thẳng giữa các “bay window” về cơ bản là lao lên băng băng không hề ngắt quãng, từ dưới cùng của tòa nhà. Chúng không còn là đố cửa sổ nữa, mà nhìn như những giầm chữ I, với các xà ngang. Chúng không có mục đích gì khác ngoài để trang trí, tạo ra cảm giác bề mặt không phẳng, mà có cấu trúc và tiết tấu riêng. Những giầm chữ I đó còn có tính biểu tượng, với phần chịu lực là các giầm bên trong, bằng sắt, điều chúng ta sẽ không muốn thấy, vì chúng chẳng hấp dẫn như mặt ngoài. Cả ở đây nữa, Mies cũng lấy cảm hứng từ đền Parthenon, vốn có mục đích trang trí là chủ yếu. Ông muốn phá bỏ một định kiến lâu đời về kiến trúc trường phái hiện đại là nó chỉ có tính công năng, muốn lột sạch những gì không cần thiết hay để trang trí. Từ mặt ngoài Seagram, ta có thể thấy không chỉ ngoại thất bằng đồng, mà cả các tranh khảm, đá cẩm thạch, đá hoa cương, và một hồ nước phản chiếu phía trước tòa nhà. Tính theo chi phí trên mét vuông, đó là một trong những tòa nhà đắt tiền nhất ở thời của nó.

Lõi thang máy trong tòa nhà Seagram
Lõi thang máy trong tòa nhà Seagram

Thú vị không kém có lẽ là các buồng thang máy. Có bốn thang máy trong tòa nhà, chúng di chuyển qua lớp thủy tinh bao bọc lấy sảnh. Lớp thủy tinh giống như một bong bóng xà phòng và các thang máy đi xuyên qua đó. Bọc lấy các thang máy là đá động thạch (travertine), gợi nhớ lại kiến trúc La Mã cổ đại.

Mies đã liên tục gợi lại kiến trúc cổ đại trong công trình này, bao gồm phần sân trước. Dù ranh đất rất rộng, tòa nhà đã lùi rất sâu so với mặt tiền đại lộ Park, gần như là xa hết mức có thể. Khi Mies được hỏi tại sao ông lại lùi tòa nhà sâu như thế, ông nói ông muốn bày tỏ sự tôn trọng với tòa nhà Câu lạc bộ bóng vợt và tennis ngay bên kia đường.

Ông không muốn tòa nhà của ông hùng hổ vươn ra và phủ bóng lên tòa nhà kiểu Ý rất đẹp (tức câu lạc bộ) của hãng kiến trúc McKim, Mead and White. Thế là ta có ở ngã tư đó Lever House, tòa nhà câu lạc bộ, và Seagram, một bộ ba kỳ vĩ. Mies cũng tạo ra không gian đủ lớn-một hành lang, để người ta có thể chiêm ngưỡng toàn vẹn công trình của ông. Khi ta bước ra khỏi tòa nhà câu lạc bộ chỉ vài bước và ngước nhìn lên, ta sẽ có được một trải nghiệm kiến trúc hầu như bất khả ở một thành phố tấc đấc tấc vàng như New York, và như ở mọi siêu đô thị khác.

Một lần nữa, sự xếp đặt ở đây mang các yếu tố kinh điển và cổ điển, tạo ra cảm giác về một không gian công cộng, chung, một nơi mọi người có thể tập hợp, dừng lại uống một cốc cà-phê, trò chuyện, ngồi cạnh hồ nước, một không gian xã hội.

Tòa nhà kiểu Ý ở bên kia đường, đối diện Seagram
Tòa nhà kiểu Ý ở bên kia đường, đối diện Seagram
Sân trước tòa nhà Seagram
Sân trước tòa nhà Seagram

Một trong những điều khiến kiến trúc trường phái hiện đại bị chỉ trích là những phẩm chất mang tính công năng thái quá của nó, sự lạnh lẽo của nó, sự thiếu tính người và quy mô con người của nó. Mies đã cố thay đổi điều đó. Ông có thành công hay không ư? Điều đó phụ thuộc vào việc bạn xuất thân từ đâu.

Theo Khan Academy – PhatHung.vn

5/5 - (1 bình chọn)

Form Đăng Nhập

Form Đăng Ký

0937156969