Realty Housess

Tin Bài Bất Động Sản

Bình Dương tận dụng lợi thế mặt tiền sông Sài Gòn để phát triển du lịch -0
Bình Dương tận dụng lợi thế mặt tiền sông Sài Gòn để phát triển du lịch

Sông Sài Gòn khởi đầu từ Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước xuôi về TP Hồ Chí Minh, chảy qua địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 106km. Cùng với việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung một số đô thị lấy sông Sài Gòn làm mặt tiền, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng tuyến đường nằm ven sông Sài Gòn đi qua địa phận TP Thủ Dầu Một nhằm thêm không gian phát triển du lịch.

Tận dụng mặt sông tạo đà phát triển du lịch

Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh, tối 2/9, UBND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) tổ chức lễ khánh thành Chợ đêm và Phố đi bộ Bạch Đằng, thuộc phường Phú Cường. Phố đi bộ Bạch Đằng có diện tích hơn 2,4ha, chiều dài 762m, nối từ giao lộ Bạch Đằng – Ngô Quyền (phường Phú Cường) chạy dọc sông Sài Gòn và kết thúc tại giao lộ Huỳnh Văn Cù – Nguyễn Văn Cừ (phường Chánh Mỹ), kinh phí đầu tư công trình khoảng 650 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.

“Công trình đưa vào sử dụng sẽ kết nối với đường Bạch Đằng tạo nên trục cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn, trải dài từ bến đò Bạch Đằng đến cầu Phú Cường, góp phần phát triển không gian kiến trúc cảnh quan xanh, sạch, đẹp dọc sông Sài Gòn theo đúng quy hoạch và định hướng phát triển TP Thủ Dầu Một. Từ đó, mở rộng không gian sinh hoạt công cộng, đáp ứng nhu cầu văn hóa, vui chơi, giải trí của các tầng lớp nhân dân. Tổ hợp công trình Chợ đêm và Phố đi bộ Bạch Đằng này còn là niềm mong đợi lâu nay của người dân địa phương và vùng lân cận”, lãnh đạo UBND TP Thủ Dầu Một cho biết.

Bình Dương tận dụng lợi thế mặt tiền sông Sài Gòn để phát triển du lịch -0
Sông Sài Gòn – đoạn ngang qua địa bàn tỉnh Bình Dương tạo nhiều cảnh quan hấp dẫn du khách.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH[1]TT&DL) tỉnh Bình Dương, để khai thác tốt tiềm năng du lịch, Bình Dương đã có định hướng phát triển các trung tâm thương mại – dịch vụ ven sông Sài Gòn nhưng vẫn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân địa phương. Cách đây 5 năm, Sở đã phối hợp với Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Saigontourist đưa vào khai thác tuyến du lịch đường sông đầu tiên từ Tân Cảng (TP Hồ Chí Minh) đến bến Bạch Ðằng (TP Thủ Dầu Một).

Nhằm khai thác, phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông ngày càng hiệu quả, Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Dương cũng đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương quy hoạch cải tạo cảng Bà Lụa thành cảng du lịch. Ðặc biệt, ngày 28/8/2019, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch được ban hành là điều kiện thuận lợi để khai thác những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, các vườn cây ăn trái ven sông kết hợp khai thác các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống phục vụ du khách đến bằng đường sông. Cùng với đó, hình thành các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài tỉnh.

Dự kiến đến năm 2030, địa phương này sẽ đầu tư xây dựng thêm nhiều bến khách phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông. Cùng đó, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho kết hợp xây dựng các nhà chờ, bến đỗ xe, phương tiện trung chuyển hành khách tham quan và các sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến bằng đường sông. Hạ tầng giao thông ven sông Sài Gòn theo đó cũng được tỉnh hoàn thiện dần, tạo thế thuận lợi “trên bến, dưới thuyền”…

Hình thành đô thị trục ven sông Sài Gòn

TP Thuận An có sông Sài Gòn chảy qua với chiều dài khoảng 13,6km, qua các phường Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm và xã An Sơn. Theo quy hoạch đô thị Thuận An, tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối từ cầu Bà Lụa – TP Thủ Dầu Một đến cầu Vĩnh Bình – TP Hồ Chí Minh với lộ giới 28m, tổng chiều dài tuyến 13,2km. Các dự án đã triển khai dọc sông Sài Gòn gồm: khu dân cư và tái định cư xã An Sơn, khu nhà ở cao tầng Eden – Thuận An, công viên ven sông Sài Gòn, công trình giao thông, hệ thống cảng, bến thuỷ nội địa…

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND TP Thuận An, hành lang ven sông Sài Gòn từ sông Vĩnh Bình, phường Vĩnh Phú tới cảng An Sơn được quy hoạch là trục cảnh quan quan trọng của Thuận An. Tính chất của hành lang này là phát triển hỗn hợp cao tầng đa chức năng như: thương mại – dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và các tổ hợp nhà ở – dịch vụ chất lượng cao gắn với sông Sài Gòn.

Qua hiện trạng hành lang dọc sông Sài Gòn và định hướng kết nối với các trục đường chính đô thị, TP Thuận An đã đề xuất thêm các khu vực phát triển đô thị dọc sông Sài Gòn với tính chất hỗn hợp cao tầng, đa chức năng tại 4 vị trí như: xã An Sơn khoảng 84ha; đô thị tại phường Lái Thiêu và Vĩnh Phú có quy mô diện tích khoảng 49ha; vị trí 3 và 4 đều tại phường Vĩnh Phú có quy mô lần lượt là 31ha và 17ha. Các vị trí đất này đều thuận lợi kết nối giao thông trong khu vực nên cần thiết hình thành khu vực phát triển đô thị với các công trình cao tầng nhằm tạo điểm nhấn cho TP Thuận An nói riêng cũng như tỉnh Bình Dương nói chung.

PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Trường Đại học Thủ Dầu Một từng thực hiện đề tài nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tạo lập quy hoạch – kiến trúc cho khu vực bờ Đông sông Sài Gòn (Bình Dương) đậm đà bản sắc lịch sử văn hóa truyền thống có tính đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị: Bình Dương, Thuận An, Thủ Dầu Một, Nam Bến Cát đã được phê duyệt, đề tài nghiên cứu đề xuất các giải pháp tạo lập bản sắc quy hoạch kiến trúc sông nước và ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực bờ Đông sông Sài Gòn; đề xuất bảo tồn, phát huy giá trị một số không gian truyền thống của khu vực bờ Đông sông Sài Gòn (chợ ven sông, vườn cây ăn trái, làng nghề thủ công truyền thống…); bảo tồn, phát huy giá trị một số công trình kiến trúc đặc thù; các giải pháp quy hoạch và quản lý một số không gian du lịch mới; đề xuất kết nối không gian hai bờ Đông và Tây sông Sài Gòn… Tùy theo bản sắc từng địa phương, đề tài đưa ra những đề xuất về cải tạo và các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao bản sắc của từng vùng. Ví dụ như xã Định Thành có cơ cấu kinh tế nông nghiệp, có nhiều địa danh nổi tiếng là chùa Thái Sơn, hồ Dầu Tiếng, Suối Trúc, đặc sản cá lăng, được đề xuất hình thành khu du lịch xanh, kết nối các địa điểm nổi tiếng của xã Định Thành lại với nhau và xây dựng thêm tuyến đường đi bộ dọc quanh hồ Dầu Tiếng.

Theo Cand – Phathung.vn

Rate this post

Form Đăng Nhập

Form Đăng Ký

0937156969